Theo một nghiên cứu lớn nhất và chi tiết nhất về tác động của rượu, ngay cả khi không uống thường xuyên, chúng cũng có hại cho sức khỏe. Điều này cho thấy các chính phủ cần nghĩ về việc tư vấn mọi người để hoàn toàn tránh xa nó.
Thông điệp mạnh mẽ này đến từ các tác giả của nghiên cứu Global Burden of Dieseases (tạm dịch: Gánh nặng bệnh tật toàn cầu), một dự án dựa trên việc hợp tác với Đại học Washington ở Seattle, nơi sản sinh ra dữ liệu đáng tin cậy nhất về các nguyên nhân gây bệnh và tử vong trên toàn thế giới.
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thực hiện nhằm điều tra về mức độ tiêu thụ rượu và các ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe ở 195 quốc gia từ năm 1990 đến 2016. Họ sử dụng dữ liệu từ hàng trăm nghiên cứu trước để tìm hiểu về việc uống rượu thường xuyên cũng như các rủi ro về sức khỏe từ 28 triệu người trên toàn cầu.
Những tác hại nặng nề của rượu
Theo nghiên cứu được công bố tạp chí y khoa Lancet, rượu dẫn tới 2,8 triệu cái chết trong năm 2016. Nó cũng là tác nhân hàng đầu gây tử vong sớm và khuyết tật của nhóm tuổi từ 15 tới 49, khi chiếm tới 20% số ca tử vong.
Thói quen uống rượu thường xuyên gây ra "những phân nhánh nghiêm trọng về sức khỏe dân số trong tương lai trong khi không có chính sách hành động nào ở hiện tại", nghiên cứu cho biết. "Sử dụng rượu và đồ uống có cồn góp phần gây suy giảm sức khỏe, với những biến chứng có thể kéo dài suốt vòng đời, đặc biệt là nam giới".
Phần lớn chỉ dẫn của các quốc gia đều cho thấy có những lợi ích sức khỏe khi dùng một hoặc hai cốc rượu vang hoặc bia mỗi ngày, tuy nhiên các nhà khoa học cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, mức độ an toàn nhất của việc uống rượu là... không uống".
Việc uống rượu điều độ đã bị bỏ qua trong nhiều năm trước với giả định rằng, điều đó có lợi cho sức khỏe. Từ lâu, người ta đã cho rằng, một cốc rượu vang đỏ mỗi ngày sẽ tốt cho tim mạch. Cho dù các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, việc uống rượu ở mức thấp có một số tác dụng ngăn ngừa bệnh tim, và có thể cho cả tiểu đường và đột quỵ, nhưng họ cho biết, các lợi ích trên không đủ để bù đắp những tác hại của chúng.
Việc uống rượu là tác nhân hàng đầu gây ung thư ở người trên 50 tuổi, đặc biệt đối với phụ nữ. Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng, 1/13 trường hợp ung thư vú ở Anh có liên quan đến rượu. Ở phạm vi toàn cầu, nghiên cứu chỉ ra, 27,1% số người chết vì ung thư ở nữ giới và 18,9% ở nam giới trên 50 có liên quan đến thói quen uống rượu của họ.
Đối với người trẻ trên toàn cầu, các nguyên nhân gây tử vong lớn nhất có liên quan đến rượu là bệnh lao (1,4% số ca tử vong), thương tích khi tham gia giao thông (1,2%) và tự làm hại bản thân (1,1%).
Ở Anh, giám đốc y khoa Sally Davies từng cho rằng, không có mức an toàn đối với uống rượu, nhưng các chỉ dẫn lại cho thấy rằng, việc tiêu thụ rượu không quá 14 đơn vị mỗi tuần có thể giữ rủi ro ở mức thấp. Một vại bia (khoảng nửa lít) có nồng độ trung bình tương đương một đơn vị và một cốc rượu vang 125ml chứa khoảng 1,5 đơn vị rượu.
Trong khi nghiên cứu cho thấy, đối với những người trẻ uống một đơn vị mỗi ngày, việc gia tăng nguy cơ gây hại có liên quan đến cồn là nhỏ (khoảng 0,5%), nhưng nó tăng lên nhanh chóng khi lượng uống nhiều hơn: khoảng 7% đối với những người uống hai đơn vị mỗi ngày, và 37% đối với người uống 5 đơn vị.
Ngoài ra, khoảng một phần ba dân số thế giới, hay khoảng 2,4 tỷ người đang uống rượu. 25% phụ nữ và 39% nam giới đang dùng rượu. Đan Mạch là nước có tỷ lệ người uống rượu cao nhất (95,3% phụ nữ và 97,1% nam giới). Pakistan là nước có tỷ lệ nam giới uống rượu thấp nhất (0,8%) và Bangladesh là nước có tỷ lệ nữ giới uống rượu thấp nhất (0,3%). Nam giới ở Romania và nữ giới ở Ukraina uống nhiều nhất (8,2 đơn vị và 4,2 đơn vị mỗi ngày).
Cần giải pháp mạnh mẽ từ chính phủ
Giáo sư Emmanuela Gakidou, tác giả chính của báo cáo cho biết: "Rượu mang tới các phân nhánh nghiêm trọng về sức khỏe dân số tương lai trong khi không có chính sách hành động nào ở hiện tại. Các kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng, việc sử dụng rượu và các tác hại của nó đối với sức khỏe có thể trở thành thách thức ngày càng tăng khi các quốc gia phát triển hơn, và việc ban hành hay duy trì chính sách mạnh mẽ để kiểm soát chặt rượu sẽ là điều rất quan trọng".
"Trên toàn thế giới, chúng ta cần xem xét lại các chính sách kiểm soát rượu và chương trình sức khỏe, và cân nhắc các khuyến nghị về việc kiêng rượu. Những điều này bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu, kiểm soát lượng rượu bày bán và giờ bán, và kiểm soát việc quảng cáo rượu. Bất kỳ chính sách hành động nào đều góp phần giảm mức độ tiêu thụ rượu, một bước quan trọng hướng tới việc giảm gây hại đến sức khỏe bắt nguồn từ sử dụng rượu".
Dù nghiên cứu mới này đưa ra các kết luận rất rõ ràng và cụ thể, nhưng ông David Spiegelhalter, giáo sư tại Đại học Cambridge cho biết, từ kết quả đã chỉ ra, đối với những người uống vừa phải, mức độ gây hại là rất thấp.
"Đối với niềm vui liên quan đến việc uống rượu vừa phải, việc tuyên bố rằng "không có mức an toàn" dường như không phải lập luận cho việc kiêng rượu. Không có mức an toàn khi lái xe, nhưng chính phủ không khuyến khích mọi người tránh lái xe. Với cách suy nghĩ đó, không có mức an toàn nào cho việc sống cả, nhưng cũng không ai khuyến khích việc kiêng sống".
Nguyễn Hải (Theo Vnreview)