Cập nhật:  18/02/2015 03:25:58 (GMT+7)  In bài này

Những kiêng kị ngày đầu năm    

 

Người Việt lẫn người Trung Quốc đều có tục kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết Nguyên Đán. Người Trung Quốc lí giải tục lệ này bằng một câu chuyện: Xưa có vị thương gia tên là Âu Minh, được vị thủy thần cho một a hoàn tên là Như Nguyệt. Từ hồi có a hoàn này, chuyện buôn bán của Âu Minh lên như diều gặp gió, gia tư ngày càng giàu có ức vạn. Một hôm đúng mồng 1 Tết, Âu Minh đánh đập Như Nguyệt tàn tệ vì một lỗi nhỏ, khiến cô a hoàn sợ quá bỏ chạy, rồi chui vào đống rác và biến mất. Kể từ đó, chuyện làm ăn của Âu Minh cứ sa sút dần rồi cuối cùng phá sản, bởi Như Nguyệt chính là “thần tài” của ông ta đã bị ông ta đánh đuổi đi mất. Vì cô gái đó chui vào đống rác vào đúng ngày Nguyên Đán nên từ đó, người ta kiêng quét rác, đổ rác trong dịp Tết.

 

 

Trong ngày Tết, phải kiêng cữ lời nói, cử chỉ thiếu tích cực, cau có, gắt gỏng, la lối… đều phải tránh. Quét nhà vào sớm ngày mồng 1 cũng là điều kiêng kị, người ta tin rằng như vậy sẽ khiến những của cải trong nhà trôi ra ngoài hết. Nhiều người mắc tính gọn gàng, nhỡ có dọn dẹp nhà cửa đầu năm, đều phải dồn tạm rác vào một góc rồi chờ đến mùng 3 mới hốt đi.

 

Theo quan niệm của người Việt từ bấy lâu nay, Tết Nguyên Đán là mở đầu cho mọi sự mới mẻ trong năm mới, đồng thời cũng kết thúc mọi xui rủi trong năm cũ. Do vậy, để tránh bị đen đủi trong năm tiếp theo, vào những ngày Tết, ai cũng đều tỏ ra cẩn trọng trong mọi việc làm vào những ngày này.

 

Đó là lí do vì sao mà vào các ngày trước 29 hoặc 30 âm lịch, việc đầu tiên mà hầu hết mọi gia đình đều làm đó là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, thân thể, không gian sinh hoạt. Bước sang ngày mồng 1 của năm mới âm lịch, cho dù có như thế nào người ta cũng tránh việc quét dọn. Công việc này chỉ được thực hiện vào ngày tiếp theo, là mồng 2 Tết.

 

Thông thường, ngày mồng 1 Tết là ngày đầu tiên đón khách xông nhà, đón người đến chúc Tết. Việc rác thải từ bánh kẹo, đồ ăn,… cho dù có nằm bừa bộn khắp nhà cửa cũng không nên quét đi. Bởi, theo quan niệm đó là lộc đầu năm, nếu quét đi sẽ mang theo cả lộc năm mới, gây xui xẻo cho cả năm.

 

Một công việc khác không nên làm vào năm mới, đó là đi xin xỏ, vay mượn bất kì thứ gì của người khác. Bởi như thế sẽ đi vay mượn cả năm. Bên cạnh đó, trong các gia đình, lời ăn tiếng nói vào ngày đầu năm cũng cực kì quan trọng. Mọi thành viên đều tránh nói những từ xui xẻo hoặc trách móc, chửi mắng nhau.

 

Ngược lại, trong những ngày đầu năm mới, ai cũng dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Người lớn thì mừng tuổi cho trẻ nhỏ, con cháu mừng thọ cha mẹ, an hem trong nhà chúc tụng nhau.

 

Trong những ngày Tết, điều kiêng kị nhất ở hầu hết các địa phương đó là đám ma người chết. Theo quan niệm, gia đình nào không may mắn có người thân chết vào ngày cận Tết (tức trước ngày cuối cùng của năm cũ, tính đến thời điểm trước giao thừa) thì phải nhanh chóng làm lễ an tang, chôn cất khi chưa bước qua năm mới. Còn nếu như người thân chết vào ngày mồng 1 Tết, việc cần làm lúc này là chưa phát tang ngay, mà chờ qua ngày đầu tiên, đến ngày mồng 2 Tết mới tiến hành an tang.

 

Những gia đình có người thân chết vào thời điểm trước, trong và sau Tết thì không nên đi chúc Tết hàng xóm, láng giềng. Theo quan niệm, trong ngày mồng 1 Tết, việc gặp gỡ ai đầu tiên là cực kỳ quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến người đó cả năm. Do vậy, hiện nay, ở một số thành phố xuất hiện hình thức thuê người đến xông đất. Dựa vào nguyên tắc “tam hợp, tứ hành xung” mà tìm người xông đất cho phù hợp, mang may mắn đến cả năm. Người nằm trong “tam hợp” với gia chủ sẽ mang “vía lành” đến, tức là gia chủ sẽ được may mắn cả năm, làm ăn thuận lợi, đi lại trôi chảy. Ngược lại, gia chủ nếu gặp phải người đầu tiên trong năm mới mà thuộc “tứ hành xung” với mình thì năm đó, xui xẻo cả năm, làm việc gì cũng sẽ khó khăn.

 

Đặc biệt, trong năm mới, hầu hết mọi gia đình đều kiêng kị, cố tránh việc làm vỡ gương, bát đĩa,… Theo quan niệm dân gian, việc làm vỡ những vật này là báo hiệu cho sự đỗ vỡ, rạn nứt ở mọi công việc trong năm mới, làm ăn thất bại, yêu đương đổ vỡ, đi lại gặp xui xẻo…

 

Tại một số nơi hiện vẫn còn phong tục trong ngày đầu năm mới, người ta đi mua bật lửa mang về nhà. Theo quan niệm, ngọn lửa màu đỏ, sẽ mang lại may mắn. Có lửa là có ánh sáng, có thức ăn, có nước uống… Mua bật lửa về nhà đồng nghĩa với việc mang sự sung túc, đầy đủ, no ấm cả năm.

 

Theo quan niệm của người xưa, trong ngày đầu năm (Nguyên Đán) mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người, do đó có một số kiêng kị như sau:

 

Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ

 

Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mồng 1, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa. Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh. Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.

 

Kiêng đánh thức người khác trong ngày mồng 1 Tết

 

Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức người đó dậy. Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.

 

Kiêng về nhà ngoại vào ngày mồng 1, 4, 5 Tết

 

Theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mồng 2 hoặc mồng 3, kiêng các ngày mồng 1, mồng 4 và mồng 5. Nguyên nhân là ngày mồng 1 (ngày quan trọng nhất), họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Tuy nhiên, cũng có quan niệm cho rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại.

 

Kiêng giặt quần áo vào mồng 1, mồng 2

 

Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo.

 

Kiêng mở tủ vào mồng 1

 

kiêng kị ngày tết

 

Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mồng 1 Tết, vì việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Do đó, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo bên ngoài trước giao thừa.

 

Kiêng cúng quan được niên bên trong nhà

 

Lúc giao thừa, người Việt thường có lễ cúng tiễn quan quân nhà trời coi việc năm cũ và đón quan quân coi việc năm mới đi thị sát trần gian. Việc này phải làm ở ngoài sân chứ không được làm trong nhà, vì người xưa cho rằng các ngài rất vội, không có thời gian ghé vào. Lễ dành cho việc cúng này thường gọn nhẹ: con gà luộc (hoặc thịt heo luộc), hương, hoa, bình rượu nhỏ… và phải đợi tàn hương mới được đem vào nhà.

 

Kiêng ăn đuôi cá

 

Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép (loài cá vượt vũ môn hóa rồng theo truyền thuyết). Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư, có thể tích lũy được của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.

 

Kiêng trượt chân, vấp ngã

 

Trẻ con, thanh niên thường được người có tuổi dặn dò phải đi đứng cẩn thận trong ngày Tết, tránh trượt chân, vấp ngã, vì trượt chân hay vấp ngã là tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.

 

Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa

 

Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công và hạnh phúc.

 

Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác

 

Hành động thân mật này nếu được bạn thực hiện trong những ngày đầu năm mới rất có thể gây ra sự khó chịu, thậm chí phản ứng tiêu cực. Nhiều người cho rằng khi bị người khác vỗ vai, quàng vai vào dịp Tết, họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên, hay hạnh phúc gia đình. Thật ran gay cả trong những ngày bình thường, nhiều người cũng tránh tối đa việc bị người khác vỗ vai hay quàng vai.

 

Kiêng đi chúc Tết khi đang có thai

 

Không chỉ những người có tang mới kiêng đi chúc Tết, người xưa còn tránh làm việc này khi đang có thai. Thật ra ngay cả thời hiện đại, nhiều phục nữ cũng kiêng hoặc được dặn phải kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Bởi theo quan niệm dân gian, phụ nữ mang thai đem lại xui xẻo, đó là chưa kể đứa bé trong bụng sau này cũng thành kẻ ăn nói vô duyên. Mà đâu chỉ riêng ngày Tết, vào những ngày thường, không ít người hiện nay vẫn từ bỏ việc quan trọng định làm trong ngày nếu “ra ngõ gặp phụ nữ mang thai”, hoặc có cố làm thì trong bụng vẫn không an lòng và hậu quả là việc không thành.

 

Kiêng đi chúc Tết vào sáng mồng 1 nếu không được gia chủ mời

 

Tục xông đất đầu năm diễn ra khá phổ biến. Theo phong tục này, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mồng 1 Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm. Vì thế nếu không được gia chủ mời thì bạn nên tránh đi chúc Tết vào sáng mồng 1.

 

Kị người khác đến xin lửa nhà mình ngày mồng 1

 

Vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn nên cho người khác cái đỏ trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may.

 

Kiêng cho nước đầu năm

 

Cũng như lửa, nước được ví như “nguồn tài lộc” trong câu chúc “tiền vô như nước,” nếu cho nước thì coi như… mất lộc! Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến đem theo của cải nhiều như nước.

 

Kiêng quét nhà trong ba ngày Tết

 

Vì người Việt cho rằng nếu quét nhà trong ba ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ… “đi mất,” tiền bạc sẽ ra khỏi nhà, mang lại điềm xấu, không may mắn cho gia đình. Do đó, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

 

Ở Nam Bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn ngày Tết, hiện nay còn có một số nhà vẫn giữ tục lệ rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

 

Kiêng vay mượn, cho vay mượn, đòi nợ và trả nợ

 

Việc vay hay cho vay tiền bạc, mượn hay cho mượn đồ đạc trong dịp Tết đều được coi là đem lại rủi ro cho cả hai bên. Người cho vay mượn thì sẽ mất tài lộc, còn người vay mượn sẽ lâm cảnh túng thiếu hoặc nợ nần quanh năm. Việc đòi nợ và trả nợ cũng vậy. Để tránh điều này, người ta thường cố gắng đòi nợ và trả nợ cho xong trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Nếu không trả được, con nợ cũng phải có lời khất với chủ nợ, hẹn qua những ngày đầu năm sẽ trả.

 

Kiêng làm vỡ đồ vật

 

kiêng kị ngày tết

 

Ông bà ta quan niệm sự đỗ vỡ vật dụng tạo nên sự chia cắt, đứt lìa các mối quan hệ trong nhà, thậm chí là các mối quan hệ trong xã hội và là điềm báo không may cho cả năm. Vì thế cần hết sức thận trọng khi sử dụng các đồ vật dễ vỡ như đồ thủy tinh, sành sứ… trong những ngày này.

 

Kiêng ra đường vào ngày xấu

 

Theo quan niệm của ông cha ta thì ngày mồng 5 tháng Giêng Âm lịch là ngày nguyệt kị. “Mồng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn,” người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành các cuộc du xuân.

 

Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen

 

Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm thì phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ như màu hồng, đỏ, vàng, xanh… để tạo nên sự hưng phấn và vui vẻ.

 

Kiêng cho mượn kim chỉ

 

Kim chỉ tượng trưng cho sự êm ấm và vượng khí trong gia đình. Nếu cho mượn kim chỉ thì chẳng khác gì đem vượng khí của nhà mình đi cho người khác, gia đình sẽ lục đục và không may mắn về tiền bạc. Người Việt xưa khi bị mượn kim chỉ vào năm mới được “giải đen” bằng cách đốt vía theo chân người mượn bằng 7 hoặc 9 que đóm tùy theo giới tính của người đó, kèm theo câu “đốt vía đốt van, vía lành thì ở, vía dữ thì đi”, rồi vứt tàn đóm ra ngõ.

 

Kiêng may vá

 

Việc may vá trong đầu năm mới được cho là khiến cho người ta phải vất vả khổ sở cả năm mà vẫn phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau, giật gấu vá vai.

 

Kiêng cho lửa, nước…

 

Lửa và nước tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi. Nếu cho lửa và nước vào ngày đầu năm thì có nghĩa là gia đình không giữ được tiền bạc và may mắn trong cả năm, sẽ khiến cho gia chủ mất hết vận may, làm ăn thua lỗ, dễ gặp tai bay vạ gió. Còn nước được ví với tài lộc (tiền vô như nước) nên việc cho nước cũng dẫn đến hao tài. Chẳng những giữ khư khư, người ta còn múc nước đổ đầy các chum vại trước khi sang năm mới, tránh bị hết nước trong mấy ngày đầu xuân. Thậm chí ngày xưa, những nhà khá giả còn thuê người gánh nước đến nhà mình vào sáng mồng 1 Tết, và mừng tuổi cho người đó để cả hai đều gặp vận hên.

 

Vân Anh (Tổng hợp)

www.nhuongquyenvietnam.com

2 người thích


Ông chủ Alibaba: "Nhỏ mới đẹp"