Không riêng gì các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động, rất nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, bán lẻ cũng đang có nhu cầu gia tăng thêm nguồn nhân lực khi dịch bệnh dần được kiểm soát.
Trong thời gian tới đây các ứng viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm hoạt động lâu năm sẽ được nhắm đến
Bài toán khó cho doanh nghiệp
Ông Phạm Hải Long, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex) cho biết, để thực hiện đơn hàng từ nay đến cuối năm nên công ty đang có nhu cầu tuyển thêm rất nhiều công nhân, lao động lành nghề để làm hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, nhiều công nhân đã về quê sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa quay trở lại nhà máy làm việc. Vì vậy, nhằm kịp đáp ứng tiến độ giao hàng, Agrex đang cần tuyển dụng thêm hàng trăm công nhân.
Tương tự, nhiều nhà máy tại KCX, KCN tại TP.HCM cũng đang có nhu cầu tuyển thêm công nhân để đưa guồng sản xuất trở về với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, vấn đề này trở nên khá nan giải khi tình trạng thiếu hụt lao động càng trở nên khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì được khoảng 50-60% nhân công trong bối cảnh hiện tại. Một cán bộ phụ trách nhân sự cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do những lao động nghỉ việc thời gian qua khi dịch bệnh kéo dài đã về quê nhiều. Hơn nữa, thời điểm hiện tại cũng đang gần đến Tết Nguyên đán, người lao động mong muốn ở lại gia đình, sau đó ra Tết mới tính tiếp… Chính những điều này đã khiến cho việc tuyển mới nhân sự hoặc thu hút, bù đắp số lao động cũ quay lại làm việc khi công ty khôi phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực TP.HCM, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý III/2021 là 43.600-56.800 người. Con số này trong thời gian tới ở Bình Dương là khoảng 40.000-50.000 người. Còn Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, có hàng trăm doanh nghiệp đã tham gia sàn giao dịch trực tuyến với tổng nhu cầu tuyển dụng hàng chục ngàn lao động cả quản lý, kỹ sư và lao động phổ thông (chiếm đại đa số).
Mới đây, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện nay số lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ đạt 56,8%, khu công nghệ cao đạt 54,6%. Đó là bài toán lớn và nan giải đối với thành phố khi nhiều người lao động đã trở về quê.
Nhân sự chất lượng cao “hút hàng”
Không riêng gì các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động, rất nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, bán lẻ cũng đang có nhu cầu gia tăng thêm nguồn nhân lực khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp này, nhu cầu tuyển dụng lại hướng về nguồn nhân lực chất lượng cao hơn là lao động phổ thông. Và việc tìm kiếm để đáp ứng đủ nhu cầu cũng không hề dễ dàng.
Theo báo cáo của Navigos Group, thị trường đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày… có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhu cầu mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án, xây các trung tâm nghiên cứu, nhà máy sản xuất lớn. Do trong quá trình dịch bệnh vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới sớm khống chế được và ổn định tình hình kinh tế, nên không ít công ty có sự gia tăng đơn hàng. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất được thúc đẩy, kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cũng tăng lên.
Chính vì vậy, trước mắt đa phần doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thay thế cho các nhân sự đã nghỉ việc để bù đắp số lượng thiếu hụt, cũng như củng cố thêm đội ngũ với những vị trí cần tay nghề và kỹ thuật cao. Trong đó, một số ngành nghề như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, điện tử, viễn thông… đang có những tín hiệu tích cực, nhất là việc “chạy đua” chuyển đổi số, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ngày một tăng, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.
Trong thời gian tới đây, theo nhận định của một số chuyên gia, các ứng viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm hoạt động lâu năm sẽ được nhắm đến. Tuy nhiên, thị trường sẽ vẫn khan hiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí đang cần tuyển. Trong quý 4, nhiề̀u khả năng nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao hơn do doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đang dần mở cửa trở lại và có chiều hướng tăng nhanh vào đầu năm 2022.
Minh Nhật (Theo Thời báo Ngân hàng)